Home / Việc Làm Vui / Hoa hồng môi giới bất động sản và lời hứa… gió bay

Hoa hồng môi giới bất động sản và lời hứa… gió bay

Đằng sau những hợp đồng mua bán nhà đất trót lọt, có không ít những nỗi niềm mà cả dân môi giới hay khách hàng còn giấu kín. Và đôi khi, một sự việc vỡ lở lại mang đến không ít điều bổ ích, khi nó giúp cả hai bên có cái nhìn đúng đắn, cảm thông và hiểu về nhau hơn.

Kết quả hình ảnh cho nghề môi giới nhà đất


Từ chuyện “lời hứa gió bay”…

Mới đây, một khách hàng sau khi mua căn hộ 3 phòng ngủ tại một dự án chung cư cao cấp thuộc khu đô thị mới Mỹ Đình 2 đã tố nhân viên bán hàng (đưa cả số điện thoại, email và… chân dung lên mạng xã hội) về việc thất tín.

Cụ thể, theo khách hàng này phản ánh, nhân viên tên Th. có hứa cắt lại tiền hoa hồng tương đương 50 triệu đồng cho khách mua. Tuy nhiên, sau khi vụ việc kết thúc, nhân viên này đã không thực hiện như lời hứa, khi khách hàng gọi điện, nhắn tin cũng không trả lời.

Câu chuyện kéo qua, kéo lại, khách hàng mua căn hộ có nêu: “Người ta mua một căn thì cũng có thể tiếp tục mua nữa hoặc giới thiệu bạn bè, người thân. Thời buổi này mà làm ăn không có chữ tín thì sớm muộn cũng tàn”. Kèm theo đó là lời cảnh báo cho cả cộng đồng: Hãy viết giấy nợ khi sales hứa trả hoa hồng, kêu gọi tẩy chay sales nọ…

Từ câu chuyện này, có không ít vấn đề thú vị và góc khuất của nghề môi giới lộ ra.

Bằng việc đăng đàn tố sales, cả khách hàng nọ và sales đều đã lộ diện trước bàn dân thiên hạ. Sales thì bị mất hình ảnh vì thất tín, thậm chí bị nhiều người coi như là kẻ lừa đảo. Còn khách hàng, có lẽ cũng không nghĩ đến khả năng việc bêu tên người khác lại khiến cho thiên hạ nhảy vào chê bai mình vì tội tham tiền, hám của, ép người.

Đặc biệt, nhiều người còn cho rằng câu chuyện của khách hàng nọ nêu chỉ là thông tin một chiều, không có bằng chứng và nhân viên môi giới kia hoàn toàn có thể kiện ngược vì tội xúc phạm nhân phẩm, bôi nhọ uy tín người khác.

Câu chuyện này đã thực sự gây ra hai luồng ý kiến, quan điểm. Trong đó, phần lớn thể hiện sự không đồng tình với cách làm của bạn sales, coi đó là hành độ thất tín, không chuyên nghiệp, bán hàng bằng mọi giá, kể cả lừa đảo.

Một luồng ý kiến khác là phê phán cả sales và khách hàng, một bên thất tín, một bên chèn ép nhân viên môi giới, khẳng định việc thất tín là sai nhưng cũng cần thông cảm cho sales vì thu nhập hầu hết trông vào hoa hồng, trong khi để bán được hàng phải tốn vô vàn chi phí khác.

Đồng cảm với bức xúc trước hành động thất tín của sales, một khách hàng của dự án này nêu quan điểm: “Nói về thái độ thì một khi đã hứa hay thỏa thuận thì nên tôn trọng và thực hiện đúng, chứ bán hàng bằng mọi giá, thậm chí là lừa dối khách hàng thì liệu có phải là cách làm chuyên nghiệp không?”.

Còn anh Phùng Ngọc Thạch, một sales bất động sản cho rằng: “Người mua hàng mong muốn bớt được bao nhiêu hay bấy nhiêu, mua hàng trả giá, ngại trả phí. Sales sống và làm việc dựa vào hoa hồng. Khách không bỏ tiền ra thì ai làm việc cho khách. Các sales cũng phải bỏ ra nhiều chi phí, từ marketing rồi hậu mãi, thời gian làm giấy tờ thủ tục sales đều phải giải quyết hết. Cũng do hám lợi nên mới dính bẫy chiết khấu của bọn cò ma”.

Một sales khác nêu quan điểm: “Hoa hồng là tiền chủ đầu tư chi trả cho sales khi bán hàng, chứ sales không lấy của khách”.

Trước sự việc này, bạn Linh An, một nhân viên môi giới cho rằng: “Nếu ngay từ đầu người ta tiếp cận, bạn ấy (khách hàng) nói luôn là bạn chỉ mua khi được cắt tiền hoa hồng thì mọi việc sẽ khác. Đằng này, bạn ấy để cho người ta tư vấn hết trong ra ngoài, hết lên lại xuống đến phút cuối lại nói kiểu: em không cắt thì chị mua của người khác. Đúng là khách hàng không hề ép, khách hàng chỉ nói một câu không có tâm mà thôi…”.

Hoa hồng môi giới bất động sản và lời hứa… gió bay – Ảnh 1.
Tuyên ngôn nghề của các môi giới

Không đồng tình với việc đưa thông tin một chiều, anh Nguyễn Hải Tùng, một người có kinh nghiệm trong lĩnh vực mua bán bất động sản cho biết: “Khách hàng nên có đầy đủ chứng cứ thì dễ nói chuyện hơn, không người ta có thể kiện ngược lại về tội vu cáo”.

Đến nỗi niềm của sales

Cũng từ câu chuyện này, có không ít góc khuất nghề môi giới đã được chia sẻ.

Một môi giới cay đắng kể lại câu chuyện mình từng chứng kiến: khi bán dự án A, sàn giao dịch là F1, môi giới là F2, hoa hồng về tay khi “đẩy”được 1 căn 2 phòng ngủ là 28 triệu đồng. Cả ba sales mới ra trường tập trung chăm sóc một khách. Khách yêu cầu các môi giới trích lại 15 triệu đồng hoa hồng mới đồng ý mua.

Và để có thể chốt hợp đồng, 3 môi giới mỗi người góp 5 triệu, cùng 85 triệu của khách để làm tiền cọc cho chủ đầu tư (đặt cọc 100 triệu đồng). Khách yên tâm vì được nhận tiền chiết khấu thẳng vào cọc, mặt khác, nếu giao dịch không thành công thì cả ba môi giới cũng bị mất tiền (15 triệu đồng).

Cuối cùng vụ mua bán cũng xuôi chèo mát mái. Doanh số bán hàng được tính cho 1 sale, lương tháng được tính 4 triệu. Tuy nhiên, do sàn gặp khó, hoa hồng cho giao dịch này các môi giới chỉ được nhận 10 triệu đồng chứ không phải 28 triệu đồng như cam kết trước đó. Như vậy là cùng với tiền lương 1 tháng (4 triệu đồng), tính ra 3 môi giới vẫn lỗ 1 triệu, trong khi phải bỏ ra rất nhiều thời gian, công sức tư vấn, lo thủ tục giấy tờ cho khách hàng.

Cùng với rất nhiều lời qua, tiếng lại, đây cũng là dịp để các sales lên tiếng, yêu cầu khách hàng và cộng đồng công nhận, tôn trọng nghề nghiệp. Không ít sales đã phát đi thông điệp: “Tôi làm sales, tôi có tâm huyết, trách nhiệm, có duyên và nhiệt tình. Có nghĩa là tôi không bán rẻ tri thức, huống chi là miễn phí. Tôi cần xã hội tôn trọng chất xám, có nhiều thứ cần chi trả cho cuộc sống, nghề nghiệp và sức khỏe. Nếu bạn hiểu được điều này, xin cám ơn! Tuyên ngôn nghề sale”.

Với câu chuyện trên, việc đúng sai xin để độc giả tự bình luận. Tuy nhiên, có một thực tế là khi thị trường dần đi vào chuyên nghiệp, có lẽ lực lượng môi giới Việt Nam cũng cần nhanh chóng tự hoàn thiện mình, không chỉ ở chuyên môn, nghiệp vụ, kiến thức mà còn cả đạo đức nghề. Về phía khách hàng, cũng cần có cái nhìn cảm thông và đánh giá đúng giá trị công việc mà các sales mang lại.

Ghi nhận của phóng viên tại Chương trình đào tạo “Chuyên viên kinh doanh bất động sản cấp cao” diễn ra tại Hà Nội năm 2017, khi diễn giả là ông Steve Brown, cựu Chủ tịch Hiệp hội Môi giới bất động sản Mỹ (NAR) hỏi khoảng 1.000 nhân viên môi giới trong hội trường khách sạn Marriott rằng đã có ai từng đọc điều khoản về đạo đức nghề nghiệp của dân môi giới chưa? Cả hội trường không có một cánh tay nào được giơ lên.

Trong một chia sẻ khác, ông Nguyễn Văn Đính, Tổng thư ký Hội Môi giới Việt Nam cho biết: “Môi giới bất động sản tại các nước phát triển rất được đề cao, các môi giới thực sự là các chuyên gia và được xã hội coi trọng. Tuy nhiên, tại Việt Nam, nghề này vẫn chưa nhận được nhiều thiện cảm, một nguyên nhân chủ yếu là các môi giới chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu của nghề, chỉ một tỷ lệ rất nhỏ qua đào tạo. Mặt khác, có nhiều trường hợp các môi giới làm ăn thiếu nghiêm túc, vi phạm đạo đức nghề nghiệp nên gây mất lòng tin và thiện cảm của khách hàng và công chúng.

Nguồn nld

Chia sẻ ngay trên các MXH sau để tạo tín hiệu tốt cho bài viết :)

About admin

Check Also

Các trang đăng tin tuyển dụng miễn phí hiệu quả nhanh ViecLamVui

Các trang đăng tin tuyển dụng miễn phí hiệu quả ViecLamVui phát triển giúp nhà tuyển dụng tiếp cận nguồn hồ sơ ứng viên miễn phí chất lượng

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *