Có một “luật bất thành văn” nhưng được áp dụng phổ biến ở nhiều nước, đó là số lượng bậc cầu thang nối giữa 2 tầng thường là số lẻ. Người ta quan niệm, nếu số bậc cầu thang chẵn, bước cuối cùng là chân trái, sẽ bị ngược với thói quen chân phải luôn đi trước.
Cầu thang được coi là yếu tố xương sống, nơi lưu thông khí giữa các tầng, các phòng trong ngôi nhà nên việc thiết kế rất được coi trọng. Các kiến trúc sư đưa ra nhiều giải pháp giúp khu vực này được thông thoáng, nhiều ánh sáng tự nhiên nhất có thể.
Thiết kế cầu thang còn có các quy định để đảm bảo an toàn và thuận tiện cho người đi lại. Theo KTS Nguyễn Hà, nếu cầu thang có nhiều bậc sẽ có thêm chiếu nghỉ, có tác dụng giảm cảm giác mệt mỏi khi leo cao. Đồng thời, chiều rộng bậc thang không nhỏ hơn 80cm (đủ cho 2 người tránh nhau), chiều cao tay vịn trên 90cm…
Nhiều người quan niệm rằng, cầu thang số lẻ sẽ mang lại may mắn cho cả gia đình.
Có một “luật bất thành văn” nhưng được áp dụng phổ biến ở nhiều nước, đó là số lượng bậc cầu thang nối giữa 2 tầng thường là số lẻ. Chiếu nghỉ được tính là một bậc.
Người ta quan niệm rằng, số bậc lẻ sẽ giúp cho mọi người đi lại thoải mái hơn. Với người thuận bên phải, họ sẽ bước chân phải lên bậc đầu tiên. Nếu số bậc cầu thang chẵn, bước cuối cùng là chân trái, sẽ bị ngược với thói quen: Chân phải luôn đi trước.
Ngoài ra, ở một số nước phương Đông, trong đó có Việt Nam, nhiều chủ nhà muốn thiết kế cầu thang theo quy luật “Sinh, Lão, Bệnh, Tử”. Theo đó, bậc thứ nhất rơi vào cung Sinh, các bậc tiếp theo lần lượt rơi vào cung Lão, Bệnh, Tử. Gia chủ muốn bậc cuối rơi vào cung Sinh. Bởi vậy, số bậc thang thường chia hết cho 4 và cộng thêm 1 (17, 21, 25, 29).
Dù vậy, cách tính này chỉ mang tính tương đối trong nhà phố. Nếu các cầu thang dẫn lên mỗi tầng đều là 21 bậc, tổng số bậc thang của cả nhà sẽ rơi vào cung Bệnh nếu nhà 3 tầng hoặc cung Tử nếu nhà 4 tầng.
Một số người phương Tây tin vào sự may rủi cũng lựa chọn số bậc cầu thang lẻ. Họ nhẩm tính: Bước đầu là “được”, bước thứ 2 là “mất”… nên bước cuối sẽ là “được”.